Tọa lạc ở quận 1 – khu vực sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, nhưng Chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ nguyên những giá trị cổ kính, xưa cũ và trở thành điểm du lịch tâm linh cũng như là nơi cầu con, cầu duyên vô cùng nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua khi đến với thành phố mang tên Bác.
Chùa Ngọc Hoàng (tên gọi khác: Điện Ngọc Hoàng, tên chữ: Phước Hải Tự) là một trong những ngôi cổ tự có tuổi đời lâu năm tại TPHCM, tọa lạc ở số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1. Nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách tứ phương mà còn là nơi cầu tình duyên, con cái cực kỳ linh thiêng.
Thời gian mở cửa của Chùa là từ 7h – 18h, tất cả các ngày trong tuần. Riêng mùng 1 và ngày rằm, Chùa bắt đầu đón khách từ 5h – 19h. Thời điểm lý tưởng nhất để đến Chùa là các ngày: mùng một (Âm lịch), rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười và đặc biệt là ngày 9 tháng Giêng, bởi vì đây là ngày mà Chùa tổ chức lễ Vía Ngọc Hoàng.
Chùa Ngọc Hoàng được khởi công xây dựng vào đầu thế kỷ XX bởi một người Trung Quốc, tên là Lưu Minh (tự là Lưu Đạo Nguyên). Ban đầu, nơi đây được dùng để làm điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và tổ chức các cuộc họp kín bàn kế hoạch lật đổ triều đại Mãn Thanh.
Vào năm 1982, Chùa Ngôi Hoàng chính thức trở thành một phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và được trù trì bởi Hòa thượng Thích Vĩnh Khương. Đến năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải Tự và còn được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (năm 1994).
Điều này khiến cho ngôi cổ tự này trở thành một địa điểm du lịch nổi bật tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Hơn nữa, độ nổi tiếng của Phước Hải Tự càng tăng thêm gấp bội lần khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ghé đến vãng cảnh, tham quan vào ngày 24/5/2016.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu bổ, cải tạo, nhưng Chùa Ngọc Hoàng vẫn lưu giữ được những đường nét kiến trúc Trung Hoa đặc trưng với các chi tiết, hoa văn trang trí được chạm trổ vô cùng tinh xảo và công phu.
Bên cạnh đó, khi đến đây, du khách sẽ lập tức cảm nhận sự thanh bình, an yên của một không gian tâm linh hoàn toàn tách biệt với phố thị đông đúc, ồn ào.
Có lẽ, vì được xây dựng bởi người Trung Quốc nên phong cách kiến trúc của Chùa Ngọc Hoàng phản ánh rất đậm nét những dấu ấn nghệ thuật Trung Hoa xưa, chẳng hạn như: gạch nung, mái lợp ngói âm dương, những chiếc tượng gốm sặc sỡ đặt ở các góc mái, bờ nóc và hàng loạt tác phẩm độc đáo như: tượng thờ, tranh thờ, bao lam, hương án, liễn đối,… được làm bằng gỗ, gốm, giấy bồi,…
Khuôn viên của Chùa Ngọc Hoàng được chia thành 3 gian, gồm: gian giữa (gồm Tiền điện, Trung điện và Chánh điện), gian trái và gian phải. Kiến trúc ở mỗi gian tựa như một tuyệt tác nghệ thuật ấn tượng, độc đáo và mang nét đẹp cổ xưa, truyền thống.
Khi vãng cảnh khắp khuôn viên Chùa, du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những câu đối, bài vị, hoành phi, biển ngạch và bảng chữ được viết bằng chữ Hán. Các bức hoành phi được chạm trổ tỉ mỉ trên nền gỗ quý, không chỉ đẹp mắt mà còn thể hiện chân thật những tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng của đạo Minh thuở xưa.
Phước Hải Tự cũng là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam sở hữu các bức tượng cổ được làm từ giấy bồi, tái hiện lại những buổi chầu Ngọc Hoàng của các vị thần. Ngoài ra, trước Chùa còn có một bức tượng Hộ pháp và nằm giữa sân là một bể cá lớn, bên phải là bể rùa. Cổng tam quan bề thế có 2 chú rồng được tạo hình theo thế “tranh châu” với những đường nét uốn lượn uyển chuyển tựa như sóng nước.
Không chỉ vậy, hệ thống tượng thờ ở Chùa Ngọc Hoàng cũng vô cùng phong phú với khoảng 300 bức tượng khác nhau được làm bằng gỗ và chạm khắc rất “có hồn”, thần thái. Hơn nữa, Chùa còn cài cắm những bảng hướng dẫn đường đi để giúp du khách dễ dàng di chuyển, thăm viếng từng điện thờ.
Khu vực gian giữa của Chùa Ngọc Hoàng, gồm 3 gian thờ: Tiền điện (thờ thần Thổ Địa và thần Môn Quan), Trung điện (thờ Thanh Long Đại Tướng, Phật Dược Sư và Phục Hổ Đại Tướng) và Chánh điện (thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế và Phật Chuẩn Đề).
Trong khi đó, gian trái là nơi thờ phượng nhị vị Song Án, Thành Hoàng, Lỗ Ban, tượng Mã Tướng Quân và Thái Tuế. Bên cạnh đó, còn có một gian riêng dành để thờ Thập Điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tương ứng với 10 cửa ải dưới địa ngục. Điện thứ ba là nơi thờ ông Tơ bà Nguyệt.
Hơn nữa, Phước Hải Tự còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu – vị thần trông coi việc sinh con đẻ cái và 12 bà mụ. Mỗi bên có 6 bà với các tư thế khác nhau tượng trưng cho một phần việc, gồm: nắn tay, nắn chân, nắn đầu, dạy trẻ tập nói, tập đi,…
Ngoài ra, Chùa cũng có phối thờ Đại Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát và một số vị thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng Trung Hoa, tiêu biểu như: thần Hà Bá (thần sông nước), thần Táo Quân (thần lò bếp), thần Lã Tổ (thần văn chương), Văn Xương, Thiên Lôi, 13 đức thầy,…
Đã từ rất lâu, Chùa Ngọc Hoàng được biết đến rộng rãi là nơi cầu mong con và tình duyên cực kỳ linh thiêng, thế nên, những người lận đận về đường con cái và tình yêu thường tìm đến đây để khấn bái, cầu nguyện. Ngoài ra, cũng có người đến để cầu bình an, sức khỏe cho bản thân mình hoặc người thân xung quanh.
Chùa Ngọc Hoàng có thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ nên luôn được nhiều cặp vợ chồng mắc bệnh hiếm muộn hoặc chưa may mắn về đường con cái tìm đến để cầu nguyện sự suôn sẻ, thuận lợi cho việc mang thai hay khi sinh nở. Vì thế, nên bên cạnh Chánh điện thờ Ngọc Hoàng thì điện thờ Thánh Mẫu là nơi được nhiều người viếng thăm nhiều nhất vào mỗi dịp lễ lớn nhỏ và cả ngày thường nữa.
Đến Chùa, du khách sẽ được hướng dẫn cách khấn bái đúng chuẩn bởi 1 cụ bà luôn túc trực bên cạnh tượng Kim Hoa Thánh Mẫu. Nghi lễ không quá cầu kỳ nên bạn chỉ cần đặt trọn lòng thành kính khi cúng bái. Trên thực tế, nhiều cặp đôi đã có được kết quả mãn nguyện và quay lại Chùa để tạ lễ.
Điện Ngọc Hoàng cũng là một nơi cầu tình duyên cực kỳ nổi tiếng về độ linh thiêng nên được nhiều người, nhất là các bạn trẻ ghé đến để cầu mong một cuộc sống hôn nhân viên mãn, hạnh phúc tràn đầy hoặc nhanh chóng tìm thấy một nửa hoàn hảo, đúng hình mẫu.
Sau khi thắp hương, người khấn vừa đọc rõ ràng tên mình và tên người ấy vừa sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt để cầu xin cho đường tình duyên được thuận lợi, may mắn.
Nếu đã mỹ mãn về cả đường tình duyên lẫn con cái thì bạn cũng có thể đến với Chùa Ngọc Hoàng để cầu nguyện tài lộc, sự bình an và sức khỏe tốt cho chính bản thân mình và cả những thành viên trong gia đình.
Nếu muốn cầu xin sức khỏe thì bạn tìm đến điện thờ tượng Hoa Đà Tiên Sư để thực hiện cúng bái, dâng lễ chỉn chu và làm tương tự với tượng Phật Dược Sư để cầu xin sự bình an, may mắn. Còn khi cầu mong tài lộc thì mang lễ vật đến điện thờ Thần Tài và thành tâm cầu khấn.
Cứ vào ngày 9 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm, chùa Ngọc Hoàng sẽ tổ chức lễ Vía Ngọc Hoàng. Đây là đại lễ được tổ chức cực kỳ hoành tráng và náo nhiệt nên được ví như là dịp ban phúc lành lớn nhất năm. Tuy nhiên, trước khi tham gia buổi lễ hay là đến Chùa vào ngày thường, bạn cần lưu ý thật kỹ những vấn đề sau đây:
Thông qua bài viết này, Sài Gòn Review đã mang đến cho bạn đọc những thông tin về Chùa Ngọc Hoàng – ngôi cổ tự cầu con, cầu duyên rất có tiếng tại TPHCM. Nếu không thuận lợi về đường con cái hay tình duyên thì bạn có thể đến đây và thành tâm khấn vái để sớm có được kết quả viên mãn nhất. Hoặc đến để thăm thú, thắp nén hương và cầu nguyện sức khỏe, bình an khi có dịp du lịch tới Sài Gòn.
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng đánh giá minh bạch nhất tại TPHCM
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
SaiGonReview có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2024 SaiGonReview.vn | Chính Sách | Điều Khoản | Chính sách Quảng Cáo