Địa đạo Củ Chi từ lâu đã được mệnh danh là một di tích quốc gia đặc biệt, bởi chính tại nơi đây, biết bao tấm gương anh hùng đã anh dũng hy sinh. Mọi người có tò mò về địa đạo đầy bí ẩn này không? Trong bài viết này, nhóm biên tập sẽ giải đáp những thắc mắc đó ngay dưới đây nhé!!
Địa đạo Củ Chi thuộc huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về phía Tây Bắc, được xây dựng từ thời kỳ kháng Nhật chống thực dân Pháp trong suốt năm 1948. Mang tầm vóc vĩ đại, chiến công oai hùng 30 năm đấu tranh chống quân xâm lược và là minh chứng rõ ràng nhất cho năng lực sáng tạo của quân và dân nơi đây, địa đạo Củ Chi chính là dấu mốc không thể chối cãi trên bản đồ hình chữ S về tinh thần dân tộc, anh hùng kháng chiến giành lại Tổ quốc của quân dân Củ Chi nói riêng và của nhân dân nước Việt Nam nói chung.
Trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1948, việc hình thành địa đạo Củ Chi gắn liền với công cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa đạo là hệ thống đường hầm đất được người dân và bộ đội đào nằm sâu trong lòng đất. Địa đạo này tọa lạc tại huyện Củ Chi nên được gọi là địa đạo Củ Chi. Vào năm 1948, những địa đạo đầu tiên đã xuất hiện ở xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An. Khi mới xây dựng nơi đây chỉ gồm những đoạn ngắn với cấu trúc đơn giản được sử dụng để cất giấu vũ khí, tài liệu và hơn hết là dùng làm nơi trú ẩn cho những cán bộ hoạt động “ngầm” trong vùng địch hậu. Từ năm 1961 – 1965, do nhu cầu sử dụng và đi lại nên các cơ quan, đơn vị đã phát triển địa đạo có các nhánh nối với đường “xương sống”. Phía trên của công trình này còn được trang bị với rất nhiều hố đinh, hầm chông, bãi mìn… nhằm phục vụ cho công cuộc chiến đấu của quân và dân ta thời bấy giờ.
Địa đạo Củ Chi lưu vết hàng nghìn dấu tích lịch sử vẻ vang, miêu tả lại những trận đánh đầy cam go và khốc liệt của quân dân ta trước những đợt tấn công dồn dập như vũ bão của quân địch. Địa đạo được hình thành bởi những nhu cầu khách quan trong cuộc chiến chống Pháp – Mỹ nhưng vẫn mang trong nó nét độc đáo của nghệ thuật quân sự nước ta. Địa đạo Củ Chi rất khác so với các hầm bí mật khác mà ta từng tạo nên. Ở đây, ta không những tránh được việc bị kìm kẹp như các hầm bí mật thông thường khác mà ta còn có thể phát huy được tính linh hoạt mỗi khi chiến đấu, từ đó giúp quân ta vừa bảo toàn được lực lượng mà vừa chiếm thế thượng phong trước kẻ thù. Cũng chính vì thế địa đạo Củ Chi còn được gọi là “pháo đài ngầm”, cùng lối đánh du kích của quân dân ta thời đó đã khiến cho giặc phải khiếp sợ.
Vùng đất Củ Chi còn nổi tiếng với những người có tinh thần sắt thép yêu nước. Bà Nguyễn Thị Nê là một trong những người anh hùng ở đây, bà xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước 5 đời. Từ khi gia nhập lực lượng cách mạng, bà luôn thể hiện xuất sắc năng lực của mình và lập được nhiều thành tích đáng khen ngợi. Có thể kể đến như vào tháng 5 năm 1966, địch quét vào xã Phú Hoà Đông, Nguyễn Thị Nê chỉ huy 3 người cùng đơn vị phục kích, tiêu diệt 10 quân địch, hay tháng 5 năm 1967, bà chỉ huy tổ 3 người vào trinh sát căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt 50 tên Mỹ và phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí của địch. Ngày 27 tháng 10 năm 1969, bà dũng cảm hy sinh khi mới 22 tuổi. Vì tinh thần chiến đấu anh dũng đó nên ngày 30-8-1995, đồng chí Nguyễn Thị Nê đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 12 tháng 2 năm 2016, địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vì những ký ức chiến tranh mà nơi đây đang nắm giữ. Mang trên mình trọng trách giáo dục truyền thống cách mạng, cùng với việc địa đạo được mở rộng đầu tư khu vực vui chơi – giải trí, nghỉ dưỡng, hòa mình với thiên nhiên, nơi đây không những mang đến cho nước nhà một địa điểm du lịch văn minh, lành mạnh mà còn truyền bá lịch sử đất nước Việt Nam ta đến với mỗi một người dân và ngay cả những du khách nước ngoài từ khắp nơi trên toàn thế giới.
Địa đạo Củ Chi không mang dáng vẻ hùng vĩ, to lớn như những kỳ quan trên thế giới nhưng nơi đây lại là một công trình vĩ đại với hơn 200 km đường hầm trải dài trong lòng đất gắn liền với lịch sử dân tộc ta. Địa đạo đồng hành cùng nhân dân trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ, địa đạo là bệ phóng cho công cuộc thống nhất đất nước, và ở thời bình hiện nay, địa đạo giữ vai trò giáo dục cho thế hệ đời sau về sự ác liệt của chiến tranh. Địa đạo còn mang trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí bất khuất của “Đất thép” anh hùng, một trong những biểu tượng vẻ vang của chủ nghĩa anh hùng dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh gian khổ ấy, người dân Củ Chi đã giành chiến thắng áp đảo. Như vậy chúng ta mới thấu được nét chiến đấu ngoan cường của dân tộc ta trong thời kỳ chiến tranh mà càng thêm cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống thời bình.”
Có một người thầy đã nói với lớp mình là “Khoảng thời gian đáng nhớ nhất của thời sinh viên chính là khóa học Quốc phòng, An ninh”. Thật vậy ! một phần tuổi thanh xuân của chúng tôi đã gửi lại Trung tâm giáo dục Quốc phòng, An ninh Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Gần 30 ngày đêm cùng nhau đi qua những khoảnh khắc đẹp nhất của thời sinh viên có lẽ là quãng thời gian khó quên nhất trong lòng mỗi người.
Chúng em rất nhớ chuyến đi thăm Địa Đạo Củ Chi mà cuối khóa các thầy đã cho chúng em được đến và trải nghiệm, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của những người lính. Thấu hiểu được sự anh dũng, hy sinh của bậc cha ông đã làm để có được một nền độc lập như ngày nay. Chúng em rất biết ơn vì những điều đó.
Có những năm tháng khi đã đi qua sẽ để lại trong bạn sự tiếc nuối và hoài niệm dù đó chỉ là 1 phần ngắn ngủi trong cả hành trình tuổi trẻ của chúng ta. Có lẽ là sau 4 năm Đại học, khóa học mà sinh viên sẽ khắc ghi chính là những tháng ngày họ cùng nhau khoác màu áo xanh “Bộ đội Cụ Hồ” trong khóa học Quốc phòng, An ninh.
Lớp chúng tôi đã luôn hào hứng, coi những tiết học Giáo dục quốc phòng, An ninh là khoảng thời gian quý báu ít ỏi của mình để có thể chia sẻ tâm tư, đón nhận những tình cảm, bài học sâu sắc từ những người thầy, người cô đầy tâm huyết.
Không chỉ dạy về An ninh quốc phòng, các thầy cô còn truyền cho chúng tôi – những người trẻ hôm nay về tình yêu Tổ quốc và những bài học làm người từ chính cuộc đời các thầy các cô, từ những người đồng đội, những hi sinh mất mát trong những năm chiến tranh ác liệt hay trong chính thời bình hiện nay, nhất là những ngày “khúc ruột miền Trung” chìm trong bão lũ vừa qua. Đó là những câu chuyện rất thực, rất sâu sắc, đầy tính nhân văn và đậm tình người mà chính các thầy, các cô là người trong cuộc, là những nhân chứng sống. Qua đó mỗi sinh viên chúng tôi cũng có thể tự cảm nhận và hiểu được rằng các thầy các cô là những người có tấm lòng bao dung như thế nào?
Ở các thầy toát lên sự oai hùng của chất lính, sinh viên khi đang và đã học xong môn học này đều có chung lòng biết ơn và sự kính trọng các thầy cô.
Chúng em – lực lượng kế cận, rường cột của nước nhà, chúng em đã hiểu chính lòng yêu nước là một giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, được sinh dưỡng bởi những cư dân một nước nông nghiệp luôn gắn bó, cố kết, đùm bọc, che chở và giúp đỡ lẫn nhau để chống lại thiên tai, địch họa và cả dịch bệnh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã từng dạy: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Từ kiến thức kinh nghiệm và tình cảm của quý thầy, quý cô đã truyền đạt và vun đắp, chúng em sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thiện mình để trở thành người công dân có tài và có đức, kiên định và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của ông cha, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng đánh giá minh bạch nhất tại TPHCM
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh được cộng đồng Reviewer trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
SaiGonReview có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2024 SaiGonReview.vn | Chính Sách | Điều Khoản | Chính sách Quảng Cáo